Tôi viết bài này cho 2 đối tượng
Phụ huynh ức chế vì con cái nói mãi không biết nghe.
Con cái ức chế vì phụ huynh nói mãi không chịu hiểu.
Các bạn biết rồi đấy, cha mẹ và con cái, lúc nào mà chả tồn tại một khoảng cách nào đó.
Nhẹ nhàng, thì ngậm bồ hòn làm ngọt, lẳng lặng mà nuốt cho qua chuyện. Nặng nề, thì cha chửi đằng cha, con chửi đằng con, dĩa bay đằng dĩa.
Phụ huynh có tâm, thì cố gắng tìm hiểu xem con mình đã trải qua chuyện gì, đang có mong muốn gì. Phụ huynh không có tâm thì “mày con tao nên phải nghe tao!”, “tao đẻ ra mày, nuôi mày nên tao nói gì mày phải làm theo!”.
Con trẻ có tâm, thì cũng gắng nghe lời, thông cảm cho cha mẹ. Con trẻ nổi loạn, thì “ông này bà nọ” (đoạn này nên censored đi).
Mà thật ra thì, dù cho phụ huynh có tâm hay con trẻ có tâm, đến khi tức nước vỡ bờ, giọt nước tràn ly thì cũng be bét cả.
– – –
Câu chuyện nhỏ đầu tiên, liên quan đến âm nhạc. Các vị phụ huynh khi nghe thấy nhạc trẻ thường hay thán lên rằng: “Nhạc nhẽo bây giờ chả ra làm sao cả”, “Mấy cái thứ nhạc vớ va vớ vẩn này mà tụi mày cũng nghe được”, “Nhạc hồi xưa trữ tình, ý nghĩa bao nhiêu thì nhạc bây giờ nhảm nhí bấy nhiêu”. Xin thưa rằng, nếu ko phải vì lễ nghĩa, thì người trẻ cũng có thể đốp lại rằng: “Nhạc xưa nghe cũng chẳng ra làm sao”, “Nhạc gì mà não nề lê thê, không có 1 tí sôi động, ko có 1 tí giải trí”. Nhưng may thay là vì còn lễ nghĩa, nên ko nói. Mà ko nói, ko có nghĩa là ko nghĩ đến.
Xin hãy hiểu cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ KHÔNG HỢP, chứ không phải do âm nhạc! Âm nhạc không có tội. Và bạn nghe thấy dở, bạn không nghe được, không có nghĩa là nó DỞ. Nhất quyết muốn chứng minh là nó dở? Okay, làm khảo sát đi. 90% dân số thế giới (thôi Việt Nam đi cho nó nhẹ) nói rằng nó dở, thì chắc mình tạm chấp nhận là nó dở. Có nhiều cái không nhất thiết phải la đông đổng lên mới là thể hiện quan điểm “đúng chuẩn”.
Thằng con mở nhạc như nồi, nhẹ nhàng bảo “con ơi bố ko thích bài này, con đổi qua nhạc Mỹ Tâm đi cho nó nhẹ nhàng”. Hôm sau, ông bố mở nhạc như ***, lặng lẽ vào phòng đóng cửa, cắm tai nghe, bật Em Gái Mưa. Hết. Vui cả làng không?
Gu nhạc – mỗi thời mỗi khác. Nhưng thành phần cực đoan, thì thời nào cũng có. Nha!
– – –
Phụ huynh, đọc tới đây nếu nhắm thấy còn giữ được bình tĩnh thì đọc tiếp, ko thì nên ngưng. Không thôi đọc tiếp bực quá, quay qua hành hạ con trẻ, chúng nó lại thù mình. Tội con trẻ. Tội mình.
– – –
Vấn đề nghiêm trọng hơn vụ nhạc nhẽo.
Các bạn cũng thừa biết rằng các vị phụ huynh, nhất là các vị theo hơi hướng truyền thống, thường rất ghét các thể loại xăm mình, nhuộm tóc, xỏ khuyên tai. Thật ra cũng có 1 thời gian trước, chính tôi cũng ko mấy thích thú gì những cái kể trên, nhưng mà rồi… thôi bỏ qua đi.
Hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời nào đó, thằng con trai cưng học-sinh-giỏi-toàn-trường-nhiều-năm-liền của mình trở về nhà với 1 hình xăm con bướm trên người, hay cô con gái bé bỏng ngoan hiền của mẹ nay xuất hiện với mái tóc vàng chóe, vàng hơn cả lông con Vàng đang nằm lè lưỡi trước hiên nhà, thì các đấng phụ huynh sẽ phản ứng như nào đây?
Nhẹ thì, đồ đạc rổn rảng, chén bát bay ra đường, con Vàng thì vẫn nằm đấy.
Nặng thì, tôi có thể mường tượng ra được 1 danh sách các câu cảm thán sau đây (đọc dần đi cho quen):
“Mày đua đòi ở đâu mà nhuộm đầu xanh đầu đỏ vậy?!”
“Bây giờ mày lại xăm trổ như mấy thằng du côn đầu đường xó chợ phải không?!”
“Cha mẹ cho cơ thể lành lặn không muốn, lại đi xăm trổ như vậy?!”
“Con trai con đứa đua đòi ở đâu mà giờ lại xỏ khuyên tai khuyên mũi thế này?!”
Các bạn có thể đảo các cụm từ ở các câu lại với nhau để ra được nhiều câu hơn, phong phú hơn.
Tôi biết các vị phụ huynh mong muốn theo đuổi các giá trị truyền thông, và mong con cái mình cũng vậy. Nhưng tôi xin mạn phép nhắc, đây là 1 thế hệ khác, hiện đại và năng động hơn. Phụ huynh có mong muốn của riêng mình, thì lớp trẻ cũng có mong muốn thể hiện bản thân mình, thể hiện cái tôi của mình thông qua những thứ đó. Và tôi quan niệm rằng, chỉ cần không vi phạm chuẩn mực đạo đức hay luật pháp, không cướp của giết người… thì làm gì cũng được!
Và đừng ai nói với tôi rằng, nhuộm tóc, xăm trổ hay xỏ khuyên là vi phạm chuẩn mực đạo đức gì nhé.
Nếu như quý phụ huynh vẫn cố chấp cho rằng, nhuộm tóc, xăm trổ hay xỏ khuyên “trông giống như” mấy thằng đầu trộm đuôi cướp, giang hồ các đảng thì mời quý vị xem lại vài tấm ảnh của mấy anh zai này. Vâng, trẻ đẹp, ko 1 hình xăm (chắc vậy), mái tóc đen truyền thống cắt cao gọn, có ông đeo kính nhìn đẹp trai hú hồn nữa kìa. Dám cá là mấy ảnh nhìn còn thư sinh hơn thằng con trai cưng học-giỏi-toàn-trường-nhiều-năm-liền của quý vị ấy.
À, trong cái đống câu ở trên, tôi còn kể sót 1 câu quan trọng:
“Mày làm vậy rồi người ta nhìn vào người ta đánh giá cho!”
Tôi cho rằng đây là một trong những câu nói vớ vẩn nhất để dạy con, và cũng là câu tôi ghét nhất! (Xin lỗi cho phép tôi được nói tục) “Người ta” là thằng đéo nào? Thằng “người ta” đấy có cho mình đồng xu cắc bạc nào không, có làm cho mình giàu lên không mà phải sợ thằng đấy đánh giá mình?!
Như có nói ở đoạn trên, nếu có sợ bị xã hội đánh giá, hãy sợ khi con cái của quý vị đi ăn trộm ăn cắp. Và hình như chưa có một công trình khoa học nào chứng minh là khi rưới một cục màu lên đầu, hay bơm 1 lớp mực xuống dưới da sẽ làm cho con người ta bị biến chất, tha hóa, suy đồi đi cả!
Thời đại ngày nay, phần lớn “người ta đánh giá” bạn qua năng lực, qua thái độ và cách hành xử (nói theo kiểu hoa mỹ thì là cách “đối nhân xử thế”). Nếu như thằng con ông hàng xóm nhuộm đầu 1 nửa xanh chuối, 1 nửa tím cà, xăm trổ kín lưng (xăm chữ “kín lưng”) nhưng tháng kiếm được trăm triệu, trong khi thằng con trai ngoan của bạn đã nằm nhà xem ti-vi chung với con Vàng được hơn tháng nay rồi, thì tôi không nghĩ bạn nên tự hào đâu.
– – –
Tôi viết bài này không phải để chê bai các vị phụ huynh cổ hủ lạc hậu, cũng không cổ xúy lớp trẻ tụi mình muốn làm gì thì làm, và cũng chẳng phải để dạy đời bất kỳ ai cả.
Chỉ là, vì là 2 thế hệ khác nhau, nên nếu hiểu được thì hiểu, thông cảm được thì thông cảm. Không yêu đừng nói lời cay đắng.
Sài Gòn, 17/09/19.
Chép.