[Viết từ những mảnh vụn lả chả của 2 ngày cuối tuần]

Phải thú nhận một điều, những ngày đầu hắn mới khoác lên mình chiếc áo xanh, thì hết bảy phần là…ham vui, chắc còn ba phần là mong muốn thiện nguyện.

Phải thú nhận một điều, hắn thích được đi đây đi đó, khám phá chỗ này chỗ kia, thích được trải nghiệm những điều mới mẻ. Đi thiện nguyện, nhưng hắn thích ngắm cua bò cá nhảy hơn là ngồi sắp quà bánh vào bịch xốp.

Như một thói quen, mỗi khi có chương trình thiện nguyện, hắn điền tên mình vào, ngay chỗ nhóm Trò chơi, nhóm Văn nghệ,… những nơi mà hắn biết sẽ có nhiều kiểu màu sắc, nhiều thứ âm thanh hấp dẫn, hay nói trắng ra là để cho dễ lên hình.

Vui một chỗ nữa, hắn khoái cái màn giờ cơm tới, mọi người cầm tô tô chén chén chạy vô bếp “xin” đồ ăn, rồi bưng ra trước hiên húp xì xụp, cười cười nói nói. Ở ngoài kia mệt, nhưng mà chen chúc vào bếp ăn cơm chung vậy, vui mà.

Và chuyến đi nào cũng vui, cũng có nhiều hình về trưng Facebook.

Bốn năm, hắn đã trải qua gần như tất cả vị trí của 1 chương trình, trừ 1 nhóm. Thế là hắn quyết định, năm nay sẽ thử sức ở đội nấu ăn!

Vẫn biết là, ở trong đội nấu ăn thì sẽ cực lắm, nhưng không ngờ là lại cực đến như vậy. Sáng vừa đến nơi là phải chạy ngay xuống bếp, lo lấy củi, nhóm bếp, bắc cơm, rồi thì ngâm đậu, rồi thì thái mớ rau củ đặng kịp cơm trưa.

Vừa lo xong bữa cơm cho cả đoàn thì lại phải nấu ăn cho bọn trẻ con – đang bay túa tủa trong sân trường. Tụi nhỏ ở đây chắc chẳng mấy khi được ăn của ngon của lạ. Mấy chị biết ý, chuẩn bị toàn là đồ ngon, nào cá viên, nào mì xào xúc xích; lại cẩn thận xâu lại thành từng xâu. Nếu không phải yêu trẻ con thì không làm được đâu.

Việc thì cứ như chẳng bao giờ hết, cứ hết việc này là việc kia lại đổ tới ngay. Quay qua quay lại hết cả một ngày mà vẫn chưa được một phút nào ngơi tay. Hắn nhủ, phải chi mà có thứ gì có thể ghi lại toàn bộ những khoảnh khắc này, có thứ gì đó có thể “chụp” lại công sức của những con người nơi góc bếp ấy.

Các nhiếp ảnh gia, họ thì vẫn luôn là họ – những con người yêu cái đẹp, thích săn lùng những nụ cười rạng rỡ, những chùm bong bóng đầy màu sắc, hay cái sự bạt ngàn của rừng của núi. Ở trong bếp thì chỉ có những gương mặt đăm đăm, chỉ có màu nâu xám của than củi, nhọ nồi thôi. Bởi, tủi thân lắm. Ngồi trong bếp mà người thì cắm cúi làm, người thì cứ lâu lâu ngóng ra ngoài coi có chàng phó nháy nào đi ngang qua không, đặng xin vài “nháy” để có cái đem về. Mà phó nháy họ cũng chỉ tạt qua xíu thôi rồi đi, nhưng mà kệ, thà có còn hơn không. Mà cũng có người đâu có chịu nổi, cũng phải bỏ dở việc chạy theo “cám dỗ” khó cưỡng của những chiếc DSLR.

Chỉ có chị là lúc nào cũng ở đó.

Chị nói đây là lần đầu chị đảm nhiệm vị trí này. Biết là khó đấy, biết là cực đấy, nhưng chị vẫn cứ làm thôi. Mấy lần hỏi chị có mệt không, có cần giúp không, chị đều gạt đi, chị bảo chị làm được, chị không mệt. Xạo. Ai nhìn mặt chị hôm ấy là biết.

Trưa nắng gắt, cái bếp lại nằm ở ngoài trời, phải lượm cái chiếu ở góc sân, quấn kẽm chăng lên để che chỗ ngồi cho đỡ nắng. Mà đâu có ăn thua. Nắng thì che được, mà nóng thì vẫn nóng, lại thêm 2 cái bếp củi vẫn còn hừng hực ngay đấy. Bao nhiêu đấy dư sức “trang điểm” cho khuôn mặt chị một màu đỏ ửng, tóc tai dính bết lên trán, lên cổ.

Có những lúc, hắn muốn vin cớ cái lưng đang đau để đi nằm nghỉ, nhưng nhìn mặt chị mồ hôi pha với bụi than, quệt đi giọt này thì giọt khác lại rơi xuống, lại chẳng đành bỏ đi.

Nhiều lúc nghĩ, tại sao một cô gái nhỏ nhắn như vậy lại có thể quán xuyến được nhiều thứ đến thế, gánh vác được nhiều việc đến thế, mà lại chẳng hề mở miệng ca thán nửa lời.

Tôi hỏi, chị vừa cười vừa quệt mồ hôi: “Trời, em nhìn chị K. mà xem, vai chị ý còn nhỏ nhắn hơn chị, nhưng mạnh mẽ hơn gấp mấy lần đó.” Thế chẳng hóa ra mình là thằng yếu đuối nhất trần đời này sao…

Chị lại cười.

Có những người, họ chẳng cần được ai nhắc đến, cũng chẳng cần được trả công, họ cứ thế, lặng lẽ với giọt mồ hôi trượt dài trên trán, với vệt than quẹt dở qua ống quần…

Nhưng chỉ cần có một giọng nói vang lên bất chợt: “Đồ ăn hôm nay ai nấu mà ngon quá vậy?!”, đâu đó sẽ có những nụ cười nhoẻn, những cái đưa mắt phập phồng sung sướng, và tất nhiên, cũng lại rất thầm lặng.

[KL – 29/01/2016]