Noel 2010

Trời khuya dần. Bầu không khí se se lạnh của ngày lễ Giáng Sinh cũng đủ khiến người ta chỉ muốn chui vào trong chăn, nằm lăn trên giường, hoặc ngồi quây quần bên người thân, uống một cốc sữa nóng và cùng nhau nói: “Chúc mừng Giáng Sinh”. Tuy tôi hiện chỉ ở có một mình, nhưng cũng có thể tự pha cho mình một cốc trà nóng, cuốn mình trong chăn, bật mấy bài nhạc Giáng Sinh và chỉ cần có vậy. Nếu theo dự tính của tôi lúc ban sáng thì là vậy, nhưng mọi chuyện đã đi ra ngoài cái dự tính ấy của tôi một chút, và hiện thứ tôi đang được “hưởng” là cái lạnh đến sởn gai óc của trời đông tháng 12 trên đường phố Sài Gòn…

– Dậy đi Trung ơi! Sáng rồi kìa!

Tôi được thằng bạn đánh thức. Đang là mùa đông, sáng nào cũng như sáng nào, se se lạnh. Biết là vậy, nhưng khi vừa trở xuống khỏi giường, tôi nhắm mắt lại, hít một hơi sâu, rồi thở mạnh ra một cái thật sảng khoái, tưởng tượng rằng sáng nay là một buổi sáng thật khác với các buổi sáng khác. Mà đúng là như vậy, hôm nay rất đặc biệt: Hôm nay là Giáng sinh!

Không ngủ nướng thêm, không vật tung chăn lên trên giường, những sửa soạn lề mề của mọi buổi sáng thường lệ được tôi thay bằng những động tác mau mắn, đầy sức sống, mặc dù tôi dậy có hơi trễ một chút. Việc đầu tiên mà tôi muốn làm, muốn làm từ ngày hôm qua rồi cơ, đó là lật quyển sổ tay ra, lên kế hoạch cho một ngày đi chơi Giáng sinh thật đã đời. Chiều qua nhà thằng bạn cùng lớp, rủ hắn lái xe dạo vòng quanh thành phố, tối đi chụp hình, coi đèn, khuya về phòng nghe nhạc, chat với bạn bè…Nghĩ ra được gì hay là tôi ghi ngay vào, như là sợ mình quên mất không chừng.

Hai giờ chiều, kế hoạch đi chơi Noel của tôi bắt đầu. Sau một lộ trình cũng khá dài, độ hơn ba mươi cây số, tôi đặt chân xuống quận 8. Hôm trước, mấy đứa bạn trong lớp “quảng cáo” rằng quận 8 là một nơi tuyệt đẹp vào mỗi mùa Giáng sinh. Thế là không đợi tới lần “quảng cáo” thứ hai, tôi đưa ngay “Quận 8” vào đích đến của buổi đón Giáng sinh hôm nay, hăm hở hệt như một đứa trẻ đang đợi món quà của ông già Nô-en trong đêm Hăm Bốn.

Giáng sinh mọi năm, tôi ở nhà, cùng cậu em trai trang trí cây thông Nô-en nhỏ, bật những bản nhạc Giáng sinh thật to và nghêu ngao hát theo. Ngồi trên xe, tôi nhớ lại. Những Giáng sinh không quá hoành tráng, nhưng cũng đủ đầm ấm như gia đình tôi mong muốn. Năm nay tôi học ở Sài Gòn, và với cái bản tính tò mò, hiếu kỳ của một cậu thanh niên mới vào đời, tôi quyết định đón cái Giáng sinh đầu tiên xa nhà, tại Sài Gòn. Những tòa nhà cao chọc trời, những con đường lung linh dưới ánh đèn,…bao nhiêu hình ảnh tráng lệ được tưởng tượng ra trong đầu cái anh chàng ở tỉnh lần đầu lên thành phố kia. Càng tưởng tượng, anh chàng ấy lại càng háo hức, hăm hở.

Xe dừng ở chợ Phạm Thế Hiển. Tôi hẹn với một cô bạn thân, học chung hồi cấp ba. Bước xuống xe, tôi nhìn thấy cô ấy ngay. Cô ấy đang ngồi đợi tôi trong một quán nước nhỏ đối diện chợ; dáng người thon nhỏ, khoác chiếc áo màu vàng nhẹ, trông ra dáng hẳn một thiếu nữ, không còn là cô nữ sinh tinh nghịch ngày nào nữa.

Cả hai cùng kéo ra khỏi quán nước. Trời hẵng còn chiều. Những tia nắng cuối cùng của ngày đang được thả xuống, nhẹ nhàng chạm vào lớp giấy bạc phủ trên những hang đá nhân tạo rồi phản chiếu lên, hòa vào nhau, tạo nên một màu sắc óng ánh đến khó tả. Đèn dây, hang đá, cây thông,…, mọi thứ đã được chuẩn bị đâu vào đấy cho lễ Giáng sinh. Nhưng có lẽ bây giờ vẫn còn sớm, dường như mọi vẻ đẹp lung linh huyền ảo của đêm Nô-en đang còn ẩn mình sau những tia nắng chiều kia, chưa muốn lộ mình. Trong khi chờ trời tối, chúng tôi vừa rảo bước trên đường, vừa nói chuyện.

Cũng đã lâu chúng tôi không gặp nhau nên vừa gặp lại, chúng tôi lại cười nói tíu tít, rôm rả về đủ thứ chuyện trên đời, hệt như cái ngày còn cùng ngồi trên ghế nhà trường. Thình thoảng chúng tôi lại ghé vào một xe cá viên chiên bên đường, mua vài xâu rồi ăn ngon lành như mấy nhóc học sinh cấp Một cũng đang đứng ăn bên cạnh, chẳng còn nhớ rằng mình đã là nhưng cô cậu sinh viên rồi nữa.

Nắng tắt, màn trời đêm buông xuống chậm rãi. Ánh sáng ban ngày được thay thế hoàn toàn bằng hàng vạn bóng đèn nhỏ to, tuy không sáng bằng ánh sáng mặt trời nhưng cũng đủ làm mê đắm bất cứ ai. Mọi nẻo đường từ đường chính tới những con hẻm nhỏ, đâu đâu cũng rực lên ánh sáng lung linh, hòa vào đó là tiếng cười nói rộn ràng của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Dọc hai bên đường không chỉ là những cây thông, hang đá, mà còn là những hàng quán tấp nập, những khu trò chơi sôi nổi, không ngớt người ra vào. Tôi và cô bạn thực sự bị choáng ngợp trước những gì đang diễn ra, mọi thứ vượt xa những gì tôi tưởng tượng ra khi nãy. Tôi cầm máy ảnh, bấm lia lịa; ánh sáng đèn flash cứ nháy lên liên tục, như thể muốn ăn tươi nuốt sống tất cả những khoảnh khắc ở đây vậy.

Tôi và cô bạn nhanh chóng hòa vào không khí sôi nổi, tuyệt vời ở đây. Cả hai đi hết chỗ này đến chỗ kia, chụp ảnh, ăn uống, mua quà lặt vặt, cười nói,…vui đến quên cả mỏi chân. Doong! Doong! Tiếng chuông nhà thờ ấm áp vang lên đâu đây, như thể muốn nói với tất cả mọi người: “Chúc mừng Giáng sinh”.

Cuộc vui trên đường phố lúc này vẫn chưa có dấu hiệu muốn dừng lại. Nhưng có một điều, dường như khi con người ta cảm thấy vui vẻ, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, phải, rất nhanh. Theo kế hoạch, khoảng bảy giờ tối là tôi phải bắt xe buýt để về, vì giờ đó các tuyến xe buýt sắp sửa ngưng hoạt động. Đi cũng đã mệt, tôi trở tay cúi nhìn đồng hồ. Đã chín giờ tối! Tôi hoảng hốt nhìn xung quanh, nhìn về hướng bến xe buýt như một phản xạ tự nhiên. Nhưng tôi biết, giờ này có lẽ các bác tài cũng đang vui đón Nô-en với vợ với con của họ ở nhà. Bỗng dưng tôi thấy sợ lắm.

Đường phố ngớt người dần. Tôi tiễn cô bạn về nhà. Nhà cô ấy ở cách đoạn đường đó không xa, độ một, hai cây số. Cô ấy lo cho tôi lắm, suốt đoạn đường về, cô ấy cứ liên tục hỏi tôi tối nay sẽ làm gì, đi đâu, ngủ ở đâu. Tôi ngẩn người. Đó là những chuyện tôi không thể biết, bởi tôi chỉ mới đến đây lần đầu tiên. Tôi cười nhạt:

– Ở đây thiếu gì chỗ ngủ, gầm cầu này, ghế đá này, sạp chợ này,…

Biết là tôi đùa, cô ấy mắng tôi không chịu tính toán, để ý giờ giấc, nhưng trên mặt vẫn không giấu được vẻ lo lắng. Để cho cô ấy bớt lo, tôi nói đại rằng tôi sẽ thuê một phòng ở khách sạn đằng kia để nghỉ qua đêm. Nghe tôi nói vậy, cô ấy cũng yên tâm được phần nào, rồi quay vào nhà, không quên chúc tôi: “Merry Christmas”.

Thực ra, số tiền còn lại của tôi chỉ đủ để trả cho một giờ trong cái khách sạn mà tôi nói ban nãy. Lát sau, cô ấy nhắn tin, hỏi han nhưng không quên kèm theo những lời chê trách tôi. Tôi chỉ cười trừ, nhắn trả lời lại để cô ấy yên tâm, rằng tôi đã tìm được chỗ qua đêm. Nhưng thực ra từ nãy tới giờ, tôi chỉ ngồi ở cái ghế đá trước cổng nhà cô ấy, chưa nghĩ ra được là mình nên làm gì. Rồi một lúc sau, cô ấy đi ngủ, dòng tin nhắn cũng ngưng lại. Lúc ấy chân tôi cũng đã hết mỏi, và chẳng biết tại sao, tôi lại quyết định quay trở lại con đường khi nãy.

Đoạn đường ấy phải đi qua hai cây cầu nhỏ, độ hai cây số, y như tôi đi lúc chiều. Chỉ có một điều khác, đúng hơn là trái ngược hoàn toàn. Mới vài tiếng trước, cả con đường còn rộn ràng nào tiếng cười nói, nào ánh đèn đủ màu sắc. Giờ trước mắt tôi là một không gian tĩnh mịch. Hai bên đường, nhà cửa đều đã đóng kín. Đây đó còn lại vài hàng dọn trễ, cũng đang tất bật sửa soạn để đóng cửa, nghỉ ngơi. Đường phố rực rỡ khi nãy giờ chỉ còn màu đen thăm thẳm của trời đêm và ánh vàng ảm đạm từ mấy cái bóng đèn đường hắt xuống. Bỗng dưng có một cảm giác rờn rợn chạy qua người tôi. Dừng lại một lát, tôi hít một hơi thật sâu, bình thản lại, rồi đi tiếp.

Vừa rảo bước, tôi vừa nhớ lại, nhớ lại mọi thứ tuyệt vời trước đó, về cây thông Nô-en nhỏ mà tôi với cậu em hay chơi dạo trước, về con đường đầy ấp tiếng cười mà tôi vừa đi qua ban nãy. Rồi tôi lại tiếp tục tưởng tượng, về những điều mà mình đã viết trong cuốn sổ tay lúc sáng. Tôi ngồi trong căn phòng nhỏ của mình, khoác chiếc chăn quen thuộc, ăn một tô mì nóng, bật mấy bản nhạc Giáng sinh quen thuộc: Felid Navidad, Last Christmas, Jingle Bell Rock,…nghe chừng nào chán thì đi ngủ, vậy là đủ cho một ngày Giáng sinh tuyệt vời đối với tôi.

Nhưng những điều đó chỉ là dự tính, chúng chỉ xảy ra khi tôi lên xe buýt đúng giờ. Giờ mọi thứ đó đều không có. Không có chăn, không có mì nóng, cũng không có nhạc, trước mặt tôi chỉ là một con đường vắng ngắt, âm thanh duy nhất ở đây là tiếng bước chân của tôi. Và tôi bắt đầu Giá mà. “Giá mà mình chú ý tới giờ giấc hơn; giá mà mình đừng quá mải chơi; giá mà mình đừng quyết định qua đây;…”. Mặc kệ cho tôi giá mà, gió vẫn lùa từng đợt, lướt trên da thịt tôi, khiến tôi lạnh run lên, sởn cả gai óc. Đây rõ ràng không phải là một Giáng sinh như tôi đã tưởng tượng ra.

Đi được một đoạn khá xa, tôi bắt đầu thấy mệt và đi chậm lại, cũng không biết rõ là mình đã đi được bao xa rồi nữa. Lúc ấy, một cảnh tượng đập vào mắt tôi, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.  Bên kia đường, ngay dưới cổng nhà thờ, có một người vẫn còn ngồi đó, gục đầu vào tường, và dường như là đang ngủ. Tôi tò mò, lại gần hơn một chút để xem. Đó là người ăn xin mà tôi và cô bạn đã cho một ít tiền lúc chiều nay. Người ông ấy ngăm ngăm đen, gầy ốm, quần áo rách rưới đến thảm hại, chỉ đắp trên người một tấm bạt cũ. Tôi bỗng dưng thấy tội nghiệp và muốn giúp đỡ ông ta quá. Nhưng tôi nghĩ những gì một người khách qua đường có thể giúp đỡ một người ăn xin là bố thí cho ông ta, và chúng tôi đã làm thế.

Chẳng hiểu sao, tôi đứng đó một hồi lâu, không làm gì cả, chỉ nhìn ông ta. Bỗng dưng ông ấy mỉm cười, một nụ cười thật bình thản, hạnh phúc. Tôi vẫn đứng lặng người ra đấy. Chợt tôi nhớ đến một câu nói mà một người bạn cũ thường hay nói: “Ông trời công bằng lắm. Ổng lấy của mình cái này thì sẽ cho mình cái khác”.

Phải, có lẽ vậy. Người ăn mày kia, số phận đã không cho ông ta nhiều thứ, sức khỏe, nhà cửa, tiền bạc,…nhưng hiện giờ, ông ấy đang có một giấc ngủ thật ngon lành trong đêm Giáng sinh, trước cổng nhà thờ, không phải lo lắng vì bất kỳ điều gì. Còn tôi, tôi có được đầy đủ những gì mà một người bình thường có thể có được. Nhưng suốt từ nãy tới giờ, tôi đang phải đi lang thang, chịu từng cái lạnh thấu xương của đêm đông tháng 12, và cơn buồn ngủ vẫn chưa thôi hành hạ tôi.

Tôi lại gần, đặt vào chiếc mũ của ông ấy một ít tiền. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm cho ông ấy vào lúc này. Rồi tôi nhìn ông ấy, thỏ thẻ: “Ông ơi, ông hạnh phúc hơn cháu nhiều lắm. Cầu Chúa phù hộ cho ông. Giáng sinh vui vẻ.”

Tôi đứng dậy, quay đi. Những suy nghĩ ấy cứ luẩn quẩn theo tôi cho đến gần sáng. Tôi đi dần về phía bến xe buýt, lúc này người đã mệt lả. Các hàng quán, nhà cửa hai bên đường vẫn còn đóng kín. Trên đường chỉ có mấy cô bác công nhân vệ sinh, bỏ chút giấc ngủ của mình để dậy sớm, dọn dẹp những chai lọ, bịch ni-lông còn vương vãi ở hai bên vỉa hè, lòng đường sau đêm Giáng sinh hôm qua.

Trời sáng dần. Mặt trời bắt đầu hé lộ những tia nắng ấm áp đầu tiên của một ngày mới.

Sáu giờ sáng. Xe buýt chạy. Tôi ngoái nhìn lại phía sau. Một Giáng sinh không bao giờ quên.

Tp HCM, 25/12/2010